Chàm To Hiết
Sau một cơn bạo bệnh, số phận đã cướp đi đôi chân vốn lành lặn của anh. Nhưng hơn 40 năm nay, anh đã không phó mặc và buông xuôi số phận, ngược lại, bằng ý chí và nghị lực của bản thân, anh đã “đứng” vững trên chính đôi chân tật nguyền ấy. Thành công của anh không phải là điều gì thật lớn lao, nhưng lại là những điều rất đời thường: Đi gieo chữ cho trẻ em người Chăm, dạy chúng biết giữ lấy cái chữ và văn hóa Chăm. Đó là câu chuyện về chàng trai dân tộc Chăm Chàm To Hiết ở ấp Chăm, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
Bà Thị Ha-mẹ vợ Chàm To Hiết, một người phụ nữ Chăm kiểu mẫu truyền thống
Chiến thắng số phận
Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, Chàm To Hiết cũng lành lặn, khôi ngô như bao đứa trẻ Chăm khác. Nhưng trong một trận bệnh “thập tử nhất sinh”, đôi chân của anh bỗng có triệu chứng tê mỏi các cơ, khớp rồi mấy tháng sau đó các cơ dần dần biến dạng, cứ teo tóp như tàu chuối khô.
Đến tuổi đi học, hàng ngày thấy chúng bạn đồng trang lứa ở xóm Chăm hay nô đùa, tung tăng cặp sách đến trường, To Hiết nằng nặc đòi đi học bằng được. Thế nhưng, anh không tự đi được trên chính đôi chân bại liệt vốn rất yếu ớt của mình. Anh rất thất vọng.
Ngày đó, dù chưa đủ lớn nhưng anh cũng đủ hiểu thế nào là bệnh tật, thế nào là nỗi mặc cảm về bản thân. To Hiết tâm sự: “Mang bệnh, mình buồn lắm. Không được đi học như người ta thì càng buồn hơn. Chỉ thương cha mẹ lúc nào cũng cực khổ với mình”. Thấy con mặc cảm về bản thân, cha mẹ To Hiết liền đưa cả gia đình sang sinh sống ở tỉnh Konponlian (Vương quốc Campuchia). Chiếc xe lắc trở thành người bạn đồng hành, thay đôi chân đưa anh đi đến các Đền, Chùa học kinh Koran, học đọc, học viết ngôn ngữ, văn hóa dân tộc.
Năm 1993, trong lần tìm về Chùa ấp Chăm (xã Suối Dây, huyện Tân Châu) thăm người thân ngày trước khi gia đình còn ở xóm Chàm (phường một, thị xã Tây Ninh). Cảnh và người đã hoàn toàn thay đổi. Nhưng điều làm To Hiết cảm thấy “chạnh lòng” khi đến đây là hầu hết các em nhỏ làng Chăm hoàn toàn lạ lẫm với nét chữ của dân tộc. “Từ nhỏ, việc học của mình dù có nhiều khó khăn, nhưng mình cũng đã được học, học cái chữ để biết văn hoá, văn hoá dẫn đến công bằng và giàu có. Mà các em không biết chữ thì làm sao lưu giữ văn hoá của người xưa để lại”, thầy chia sẻ. Suy nghĩ mãi, cuối cùng To Hiết đi đến quyết định mà lúc đó ai cũng cho là táo bạo, “ở lại dạy chữ Chăm cho các em”.
Hành trình gieo con chữ, giữ lấy văn hóa Chăm
Lần đầu tiên, người dân ở ấp Chăm ngỡ ngàng khi biết tin Chàm To Hiết mở lớp dạy tiếng dân tộc tại trường Tiểu học Suối Dây A. Ban đầu “bụt nhà không thiêng” nên lớp chỉ lèo tèo vài người. Nhưng rồi chính sự ân cần của thầy To Hiết đã thu hút hàng chục trẻ em Chăm đến với lớp học chữ. Và đến giờ, thầy To Hiết không nhớ nổi mình đã dạy bao nhiêu học sinh. Chỉ biết trong ngôi trường này, ngày nào cũng có hình ảnh một người thầy trên chiếc xe lắc ba bánh lăn vào lớp học, từng bước, từng bước một di chuyển đôi chân tật nguyền, yếu ớt trên chiếc bàn học sinh, vừa viết từng chữ lên mặt bảng, vừa dạy phát âm từng chữ một. Học trò bên dưới bi bô đọc theo.
Cầm trên tay những tấm ảnh chụp lớp học cũ cách đây 18 năm, nơi thầy và trò ngồi học trong cái phòng học hoen ố, xuống cấp trầm trọng, thầy To Hiết nhớ lại: “Ngày trước, ngôi trường này chỉ có nóc, không có tường, mình vừa dạy, vừa ở ngay trong trường, lớp học và chỗ ở của mình được các em ngăn bằng tấm ni lông. Dù vậy, mình không bao giờ thấy buồn vì lúc nào cũng được các em quây quần. Vậy mà giờ đứa nào cũng lớn, có em thì đang ở Ả rập Xê-út, đứa thì ở In-đô-nê-si-a. Đứa nào cũng thành đạt”.
Những năm đầu mới thành lập, một mình thầy dạy cả trăm em, lớp học phải chia ra nhiều ca. Bây giờ, ban ngày các em đi học tiếng Kinh, về nhà phải phụ giúp bố mẹ giữ em, chăn bò, tối đến phải ôn bài cho buổi học ngày mai. Vì vậy mà lớp học ngày càng thưa dần, chỉ còn có vài em, đôi khi chỉ có một em đến lớp, thầy vẫn dạy. “Dù lớp còn một học trò mình vẫn dạy, vì khi đó mình vẫn làm điều có ích”, thầy To Hiết quả quyết. Không dừng lại ở đó, hàng ngày, thầy và ông thầy cả của thánh đường phải đi vận động các em đến lớp học vào buổi chiều tối. “Giờ thì lớp cũng được khoảng hai mươi em. Tuy không đông như ngày trước nhưng mình cũng mừng lắm. Mừng vì các em chịu học chữ Chăm, bảo tồn tiếng nói của dân tộc”, thầy To Hiết nói.
Nhà thầy ở sát mé trường Tiểu học Suối Dây A, cách đó chỉ vài chục bước chân nhưng đối với từng dòng bánh xe lăn chở thầy đi dường như còn xa lắm. Gần 20 năm nay, học phí của thầy là những giỏ bắp, giỏ khoai và vài kg gạo do người dân mang đến biếu vào các dịp lễ Ramanda, Katê… “Tiếng là thầy, nhưng mình chỉ biết hướng dẫn cái mình biết cho người không biết và chưa biết mà thôi. Nói tiếng Chăm không thì chưa đủ, vì vậy mà mình mở lớp dạy chữ miễn phí, các khoản khác như mua phấn, tiền điện ai góp vô thì mình cám ơn, không có thì thôi chứ mình không đòi hỏi”, thầy To Hiết nói. Bởi, thầy quan niệm, người dân tộc Chăm phải biết học chữ Chăm để lưu giữ văn hóa dân tộc Chăm và lưu truyền cho thế hệ sau nữa. Thầy tiếp: “Những năm trước, người biết chữ Chăm rất ít, mặc dù đó là chữ “mẹ đẻ” của dân tộc mình mà cũng không được học đến nơi đến chốn. Nhưng nhờ có Đảng, có Bác Hồ, dân tộc thoát khỏi cảnh nô lệ, con em người Chăm được đi học, được đến trường, được cơm no áo ấm thì việc dạy và học chữ Chăm đã không còn khó khăn. Cũng vì thế mà mình đi dạy, dạy cho con em dân tộc biết con chữ và văn hóa để biết ơn người đã đem lại hạnh phúc cho mình”.
Có lẽ, ngoài Đảng và Bác Hồ, người mà thầy To Hiết biết ơn nhất đó là bà Thị Ha - mẹ vợ của thầy, một người phụ nữ Chăm kiểu mẫu truyền thống, đầy lòng nhân ái thuyết phục cô con gái xinh đẹp và lành lặn, Thị May Dâm đã để ý, yêu nghị lực và cưới thầy To Hiết về theo đúng phong tục của người Chăm sau một năm ngày thầy mở lớp. Bây giờ, trong căn nhà hạnh phúc luôn rộn rã tiếng cười của một gia đình với ba thế hệ, hình ảnh người thầy và chiếc xe lắc tay đã không còn đơn độc mặc dù trước mắt thầy vẫn còn đó một hành trình dài đi giữ lấy cái chữ, giữ lấy văn hóa Chăm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét