Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Đi chơi

Đi chơi siêu thị Tây Ninh.
Một chiều, sau giờ làm mệt mỏi, mẹ tức tốc chạy về nhà, hôn Tin một cái thật sâu. Vậy mà mẹ không còn cảm giác mệt mỏi nữa.
Ăn cơm xong, mẹ chở Tin đi siêu thị. Tính là sắm vài món đồ cho mùa Noel (Noel vừa qua, vì mẹ đã viết trước đó nhiều ý lắm, viết rồi lưu, lưu rồi viết. Đến nỗi không nhớ là ngày nào, hình như là 17/12). Nhưng có mua được món gì đâu. Mẹ quyết định cho Tin vào khu vui chơi liên hoàn (Tin thích món này lắm. Vì từ lúc khai trương siêu thị, Tin đã thèm muốn được vào chơi với các bạn. Tại mẹ cả thôi. Tại mẹ keo kiệt quá ấy mà, tính toán đủ thứ... Mắc cỡ luôn). Giá vé 35.000/trẻ em + người lớn. Khá đắt. Nhưng quan trọng là con nít có được không gian vui vẻ, học tập, sáng tạo và vận động.
Vài hình ảnh của Tin (đọc hơi nhàm chán, nhưng hãy niệm tình rửa mắt xem qua).

Nhìn này, Tin không sợ té đâu. Tin đã qua được cầu rồi.

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Vui Noel mới

      Noel 2011, cả nhà cùng đoàn tụ. Nhà thờ Tây Ninh đèn hoa rực rỡ với những hang đá "nhân tạo" lộng lẫy đầy sắc màu ấm áp của mùa đông. Mùa đông ở miền Nam làm gì có chứ! Nhưng Noel năm nay, trời lại se se lạnh. Đám nhỏ tung tăng ra phố vui cười thỏa thích. Tin cũng vậy. Suốt ba ngày 23, 24 và 25, thằng nhỏ không ngủ, vì ham chơi. Tối, nhìn cái má bầu bĩnh của hắn đã thóp đi vài phần. Buồn và tội nghiệp.
Nhưng mùa Noel mà, kéo dài đến cả tuần lễ, vui lắm! Vui đến nỗi không thể diễn tả bằng lời.

Nhìn này, đây là hang đá Chúa giáng sinh do ông ngoại của Tin làm đấy! Trong đó, ngoài bò, lừa, Tin còn đặt thêm vài chú ch1o sói, bò sữa, ngựa, cừu, khỉ, khủng long ăn cỏ và khủng long hai đầu...

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Về đất nước Chùa Tháp

Về đất nước Chùa Tháp
... "Dân ta phải biết sử ta"
Nếu mà không biết thì tra Gú gồ (Google)

Thông tin sau đây được tìm từ Google

       Campuchia (tên chính thức: Vương quốc Campuchia, chữ Khmer : ព្រះរាជាណាចក្រកម្ពុជា), cũng còn được gọi là Căm Bốt (theo tiếng Pháp: Cambodge) hay Cao Miên (theo âm Hán-Việt của từ "Khmer"), là một quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương ở vùng Đông Nam Á, giáp với vịnh Thái Lan ở phía Nam, Thái Lan ở phía Tây, Lào ở phía Bắc và Việt Nam ở phía Đông. Campuchia có ngôn ngữ chính thức là tiếng Khmer, thuộc nhóm Môn-Khmer trong hệ Nam Á.

 Cung điện Hoàng gia Norodom về đêm

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Tuyệt vời Cambodia

Cambodia tuyệt vời!
         Có lẽ là một dịp may. Được đi du lịch Cambodia vào những ngày nghỉ cuối tuần. Phnom Pênh không xa như ta tưởng. Chỉ cách Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài 175km, qua một con phà Neak Leoung trên sông Mê Kong rộng lớn. Đến đây mới biết rằng, đất nước họ phát triển như thế nào nhé!

      Đây là cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Đẹp và uy nghi, không thu tiền visa nhưng cách đối xử của "người giữ cửa" ở đây rất kỳ cục. Thiếu văn hóa. Một người bạn đi qua cửa khẩu này đã nói: Tôi đã từng đi qua các nước như Lào, Thái Lan, Indonesia, Malaysia... nhưng chưa bao giờ thấy cách đối xử thiếu văn hóa như ở CK này. Họ cầm passport nhìn, đóng dấu rồi quăng cái kịch ra khỏi bàn, mặc cho ai lấy thì lấy. Mà người xứ ta có cái tật rất điển hình: Nhiều chuyện. Không cần biết là của ai, nhưng cũng phải cầm, nắm và xem rồi la hoáng tên ai thì người đó đến nhận.
       Còn đây là cửa khẩu quốc tế Bavet, giáp ranh cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Đất nước của họ chưa bãi bỏ việc làm tờ khai visa (giá 20.000 đồng/passport) nhưng cách lấy tiền của họ rất văn hóa và lịch sự. Từng người một đến trình passport, lấy dấu vân tay và đóng 20.000 đồng/người. Sau khi kiểm tra xong, họ trả lại passport một cách rất lịch sự, họ tươi cười và gật đầu chào hỏi... Vậy đấy! Khi muốn lấy cái gì đó thì hãy tỏ ra mình có văn hóa thì việc gì cũng trở nên đơn giản.

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Chàm To Hiết

Còn đây là bài viết "nguyên bản" trước khi gửi đăng báo. Nói nhỏ: Mình dự định gửi bài này để xét thi cuối năm đấy...

Chàm To Hiết


Sau một cơn bạo bệnh, số phận đã cướp đi đôi chân vốn lành lặn của anh. Nhưng hơn 40 năm nay, anh đã không phó mặc và buông xuôi số phận, ngược lại, bằng ý chí và nghị lực của bản thân, anh đã “đứng” vững trên chính đôi chân tật nguyền ấy. Thành công của anh không phải là điều gì thật lớn lao, nhưng lại là những điều rất đời thường: Đi gieo chữ cho trẻ em người Chăm, dạy chúng biết giữ lấy cái chữ và văn hóa Chăm. Đó là câu chuyện về chàng trai dân tộc Chăm Chàm To Hiết ở ấp Chăm, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
 Bà Thị Ha-mẹ vợ Chàm To Hiết, một người phụ nữ Chăm kiểu mẫu truyền thống

 Hạnh phúc bên 3 cô con gái

Thầy giáo của trẻ em Chăm

Báo Tây Ninh, Thứ bảy 10.12.2011
Phóng sự ảnh
Thầy giáo của trẻ em Chăm

        Bỗng dưng thành người tật nguyền chỉ sau một cơn bạo bệnh, nhưng hơn 40 năm qua, anh đã không phó mặc cuộc đời mình cho số phận, mà bằng ý chí, nghị lực bản thân, anh đã nỗ lực vươn lên để sống và làm việc như bao con người hữu dụng khác. Công việc mà anh chọn là đi gieo cái chữ cho trẻ em người Chăm, dạy chúng biết giữ lấy cái hồn của dân tộc mình. Đó là câu chuyện về ông giáo làng tên Chàm To Hiết hiện ở ấp Châm, xã Suối Dây, huyện Tân Châu.

        Gần 20 năm qua, "học phí" mà thầy Chàm To Hiết nhận được chỉ là những giỏ bắp, giỏ khoái hoặc vài ký gạo mà người dân mang đến biếu vào các dịp lễ Ramanda, Katê... Các khoản khác như tiền mua phấn và tiền điện phục vụ lớp học ai góp vô thì góp, không thì thôi, thầy giáo không hề đòi hỏi. Hạnh phúc lớn nhất đối với thầy chính là niềm vui, niềm hy vọng khi nhìn thấy chữ Chăm và văn hóa dân tộc Chăm được giữ gìn, lưu truyền đến thế hệ mai sau...
 Thầy và trò trong lớp học. Ảnh: Duy Hậu

 Lựa thế để lên xe, chuẩn bị tới trường. Ảnh: Tâm Giang

 Những lúc cần hỏi thêm bài, các em học sinh lại tìm tới nhà thầy để được thầy chỉ dẫn thêm.
Ảnh: Tâm Giang

 Niềm vui hạnh phúc bên cô con gái nhỏ. Ảnh: Tâm Giang

Bên các học trò của mình tại sân trường. Ảnh: Duy Hậu


Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Vui cho người mà cũng cho ta

            Hôm qua, một buổi chiều bất chợt nhưng lại tràn đầy niềm vui. Bởi, khi mình làm được điều gì đó cho người khác vui thì tự mình cũng sẽ cảm thấy vui mà thôi!
             Chả là lúc 15g (hôm qua 1/12/2011), sau khi nhận được một cuộc điện thoại đến KS Hòa Bình để nghe "oan sai" của hơn chục tiểu thương Chợ Bình Thạnh (xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng) bức xúc về chuyện mấy "quan" ở BQL Chợ làm khó, làm dễ, bắt buộc tiểu thương chợ nộp tiền thuê sạp bằng vàng. Bó tay! Thời này mà còn quy ra vàng là một điều quá ư lạc hậu và cũng quá ư là gian manh, độc ác.
           Nhưng điều vui hơn là mình đã giúp được ông thầy Chàm To Hiết ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu có được chiếc xe lắc tay để đi dạy học chữ Chăm cho con em người dân tộc....Hhehehhe
           Cũng không phải dễ dàng gì, từ hôm 12/11, sau cuộc gặp gỡ trò chuyện với ông thầy To Hiết, cái miệng "lỡ hứa" xin dùm ổng một chiếc xe lắc tay để ổng di chuyển vì đôi chân bị bại liệt, teo nhỏ lâu lắm rồi, trong khi đó, chiếc xe lắc tay của ổng thì ngày càng riệu rã... Tội nghiệp! Nhưng kết quả thì thật khả quan, mình hỏi nhờ chú Long bên Đài Truyền hình thì được ổng trả lời hai chữ chắc nịch OK. Vui lắm!



         ... Nghe tâm sự chuyện đã xin được xe lắc rồi mà hổng có phương tiện gì để đem chiếc xe lên Suối Dây. Thằng Hiếu, em ông Thảo (một người bạn) liền phán một câu chắc như đinh đóng cột: Đang có xe Inova 7 chỗ nè. Chị em mình đem xe đi lên cho ổng luôn! Không chần chờ gì nữa. Vậy là 2 chị em liền đánh một mạch đến Hội Bảo trợ Người tàn tật, trình giấy tờ và đẩy nó lên xe. Hú hu...hai đứa liền dong một mạch đến nhà bà chị của tôi, Mỹ Linh theo thẳng luôn tới ấp Chăm, xã Suối Dây. Ngót hơn 50 cây số.
        Phù!!! Không có ông thầy ở nhà, nhưng chiếc xe cũng được trao cho gia đình ông thầy. Đám con nít, già trẻ lớn bé, gái trai gì cũng vui mừng không xiết. Vậy là mình cũng vui theo...
        Vậy đấy! Đôi khi chúng ta làm việc gì đó khiến người khác vui lòng, hạnh phúc thí đó cũng chính là niềm hạnh phúc của chúng ta.