Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Chợ Bình Thạnh

Không phải khoe, nhưng là một sự bức bối thì đúng hơn. Chuyện các tiểu thương kinh doanh ở chợ Bình Thạnh (xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) nhiều năm liền bị "ép" đến nghẹt thở... Một cái nhìn khách quan thôi! Sự việc này cũng thật tình cờ. Một người bạn mua hàng ở chợ Bình Thạnh vô tình phát hiện từ lời than thở của tiểu thương. Vậy là mình có thông tin bắt đầu vào cuộc.
Dưới đây là thành quả được trau chuốt trước khi đăng báo.

Tiểu thương Bình Thạnh khốn đốn vì giá thuê mặt bằng chợ

Khoảng 10 năm trở lại đây, giá thuê một sạp loại I ở chợ Bình Thạnh, diện tích 4m2 được tính bằng 3,33 chỉ vàng 24 kra/năm và quy đổi thành tiền theo thời giá. Các hộ tiểu thương kinh doanh đã liên tục gửi đơn yêu cầu Ban quản lý chợ nới rộng diện tích mặt bằng cho thuê điểm sạp, nhưng càng xin thì giá thuê càng được đẩy lên, dân không thuê nổi đành nghỉ bán. Số khác bị cộng dồn tiền thuê và các khoản thuế phải trả góp hàng ngày, nếu nộp chậm thì sẽ nhận thông báo thu hồi mặt bằng của UBND xã Bình Thạnh.


Chợ xã, giá thuê cao hơn chợ huyện

Ngày 18.11.2011, Ủy ban nhân dân huyện Trảng Bàng đã có chủ trương nới rộng ki-ốt chợ Bình Thạnh từ diện tích 4,2m2 cũ lên diện tích mới là 6,2m2 , mức giá mới cho thuê ki-ốt sau khi đã nới rộng được phân loại có giá từ 4 triệu đến 10 triệu đồng/năm, chi phí cho việc nới rộng ki-ốt phải do các hộ kinh doanh chi trả.

Tuy nhiên, theo các tiểu thương phản ánh, giá thuê giữa điểm sạp và ki-ốt ở chợ Bình Thạnh mang tính cào bằng, không có mức quy định cụ thể giữa điểm sạp và ki-ốt. Theo thông báo cho hợp đồng thuê điểm kinh doanh (diện tích 4m2) trong chợ Gò Dầu năm 2011, mức giá thuê ki-ốt loại I là 580.000 đồng/tháng (6.960.000 đồng/năm), điểm sạp bên trong chợ có giá 70.000 đồng/tháng (840.000 đồng/năm). Hợp đồng được thực hiện 2 năm và trả mỗi năm một lần.

Tuy nhiên, theo các tiểu thương chợ Bình Thạnh, chợ chỉ đông đúc vào hai ngày cuối tuần, năm ngày còn lại thì chợ trống vắng, người bán nhiều hơn người mua. Vậy mà giá thuê đánh vào những người buôn bán nhỏ ở đây không ngừng tăng, có người đóng cao hơn cả chợ huyện.

Bà Nguyễn Thị N., bán tương chao ở Chợ Bình Thạnh trên 10 năm, buồn nói: “Tiền thuê sạp loại III 4,2m2 là 6 triệu đồng/năm, hợp đồng 2 năm, đóng tiền một lần, mỗi tháng tôi phải nộp thuế 282.000 đồng, thêm 3.000 đồng hoa chi mỗi ngày nhưng đã rất vất vả. Chúng tôi mong cấp trên cho điều chỉnh lại giá thuê sạp và nới rộng diện tích mặt bằng sạp, vì mức giá như vậy vượt quá khả năng của dân nghèo”.

Như trường hợp của chị Trần Thị G., mỗi ngày chỉ bán vài cái bánh xèo và bánh cuốn ở cuối chợ nhưng phải nộp tiền thuê mặt bằng 4,2m2 với giá 8 triệu đồng/2 năm, thêm 3.000 đồng thuế hoa chi mỗi ngày và thuế hàng tháng. Chị G. cho biết, với mức thuế này gia đình chị không thể sống nổi, vì bán ngày nào cao nhất cũng không quá 100.000 đồng. Nếu Ban quản lý chợ không xem xét lại thì có nhiều khả năng phải nghỉ bán hoặc chấp nhận nợ thuế dây dưa như nhiều bà con khác ở chợ này.

Bên cạnh đó, những người bán hàng vải, quần áo, tạp hóa, rau cải, bún, chè, bánh canh, nước giải khát cũng kêu tiền thuê “chỗ” ở chợ cao hơn tiền lãi hàng ngày của họ. Chợ buôn bán lèo tèo, ế ẩm, không người mua. Càng xin giảm tiền thuê sạp chẳng những không được chấp nhận mà còn bị yêu cầu đóng cửa, nghỉ bán và phải trả góp hàng ngày do trả chậm. Như trường hợp tiệm tạp hóa của chị Nguyễn T.T.T., ngoài tiền thuế hàng tháng, chị phải “gánh” khoản trả góp mỗi ngày 300.000 đồng do nợ tiền thuê sạp, trong khi đó, ngày nào bán đắt hàng, chị cũng chỉ kiếm được tối đa là 100.000 đồng tiền lãi, còn bình quân lúc nào cũng dưới 50.000 đồng.

Nộp tiền thuê sạp bằng …vàng

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc người dân vay nóng để nộp tiền thuê thuê sạp, ki-ốt ở chợ là chuyện hàng ngày. Do tiền lời không đủ nên họ thường xuyên chịu nợ, cứ vài ngày là cán bộ ban quản lý chợ đến báo phải nộp và dọa cưỡng chế thu hồi. Mặt khác, số tiền phải nộp cho ban quản lý chợ được quy đổi thành vàng 24 kra và sự việc này đã kéo dài hơn 10 năm nay.

Chị Nguyễn T.T.T, chủ sạp kinh doanh tạp hóa cho biết: “Từ năm 1997, khi chợ Bình Thạnh hoạt động, hầu hết các tiểu thương khi đã ký hợp đồng thuê sạp, mặt bằng trong nhà lồng chợ với Ban quản lý chợ đều phải trả bằng vàng, mỗi sạp 4m2 loại III có giá 2,0 chỉ vàng 24 kra/năm. Nếu tiểu thương có nhu cầu thuê 2 sạp liền kề thì sẽ được giảm 0,6 chỉ”.

Còn chị Cao T.V., tiểu thương kinh doanh sạp quần áo may sẵn ở chợ Bình Thạnh, từ năm 2006, chị ký hợp đồng 5 năm với Ban quản lý chợ, số vàng chị phải nộp là 1 lượng, 3,5 chỉ vàng 24 kra. Nhưng do không gom đủ tiền (vì giá vàng leo thang liên tục) nên chị vẫn còn nợ lại 2 phân 9 ly vàng. “Đêm giao thừa Tân Mão, Ban quản lý chợ đã đến “gõ cửa” nhà tôi để đòi nợ. Chúng tôi “bấm bụng” trả. Nếu không thuê nổi thì trả lại mặt bằng sạp và nghỉ bán, nhưng như vậy thì người dân chúng tôi không biết phải làm gì sinh sống vì không có ruộng vườn”- chị V. tâm sự.

Giải thích về những điều tiểu thương phản ánh, ông Nguyễn Vũ Nam, Phó trưởng Ban quản lý chợ Bình Thạnh cho rằng: “Việc thu tiền thuê ki-ốt, mặt bằng chợ bằng vàng là do có sự thỏa thuận giữa tiểu thương với Ban quản lý chợ. Về phía Ban quản lý chợ không hề có động thái nào bắt buộc tiểu thương phải đóng tiền thuê ki-ốt bằng vàng mà nên quy đổi bằng tiền mặt…”. Thế nhưng, nhiều tiểu thương khẳng định từ khi chợ Bình Thạnh đi vào hoạt động đến nay họ chưa hề có một sự thỏa thuận nào với ban quản lý chợ.

Tại hợp đồng thuê sạp, mặt bằng trong nhà lồng chợ của các tiểu thương kinh doanh ở chợ Bình Thạnh có đoạn: “… Căn cứ quy định của Hội đồng định giá huyện Trảng Bàng cuộc họp ngày 21/11/1996…; Quyết định số 113/QĐ-UBND ngày 21.8.2008 của UBND xã Bình Thạnh về việc thu tiền thuê sạp theo từng loại…”. Theo đó, giá trị thuê sạp, mặt bằng trong nhà lồng chợ mỗi năm được tính bằng vàng 24 kra quy đổi thành tiền theo thời gian giá nộp tiền (theo giá quy định của NHNN), hợp đồng này được UBND xã Bình Thạnh ký duyệt. Mặt khác, tại Thông báo số 03/TB.BQL ngày 02.10.2008, Ban Quản lý Chợ Bình Thạnh đã có quy định về giá tiền thuê sạp đối với hộ kinh doanh, “thời gian bắt đầu hợp đồng từ ngày 01.5.2007 và kết thúc hợp đồng vào ngày 31.12.200…”, tiền thuê sạp quy đổi thành vàng cho 4 loại (I, II, III, IV) có giá từ 2,0 chỉ đến 3,33 chỉ vàng 9T8. Ngoài tiền thuê sạp hàng năm, các hộ tiểu thương kinh doanh còn phải nộp thêm các khoản thuế kinh doanh, thuế môn bài, hoa chi và thuế hàng tháng.

Một tiểu thương cho biết, việc thu vàng thuê sạp ở chợ Bình Thạnh mặc dù đã được điều chỉnh bằng tiền từ năm 2011, nhưng hộ tiểu thương nào còn “nợ” vàng thì vẫn được quy đổi thành tiền theo giá hiện tại mà tiến hành trả góp hàng ngày cho Ban quản lý chợ. Nếu không thực hiện trách nhiệm đúng thời gian quy định thì UBND xã Bình Thạnh tiến hành thu hồi mặt bằng và thực hiện đấu giá theo quy định.

Tâm Giang

Trả lời phỏng vấn của ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh:

Trả lời chúng tôi về vấn đề các tiểu thương khiếu nại, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh (huyện Trảng Bàng) cho biết: Trước đây, mỗi sạp trong chợ có chiều diện tích 4,4 mét vuông, tiểu thương đòi nới rộng ra 8,8 mét vuông, giá thuê không thay đổi. Hiện nay, UBND huyện Trảng Bàng có chủ trương mỗi sạp chỉ có diện tích 6,6 mét vuông. Vì vậy tiểu thương không đồng ý.

Về việc các tiểu thương so sánh giá cho thuê giữa chợ Bình Thạnh với các chợ huyện Gò Dầu, chợ Thị xã là không đúng. Vì mức giá của các tiểu thương nêu ra của chợ huyện Gò Dầu và chợ Thị xã là đã quy định từ năm 2008 (trên thực tế, tại Thông báo số 01-TB/BQLC ngày 14.3.2011 của Ban Quản lý chợ Gò Dầu định giá tiền cho thuê ki-ốt loại I: 580.000đ/ki ốt/tháng; điểm(sạp) bên trong chợ: 70.000đ/sạp/tháng). Mặt khác, điều kiện cơ sở vật chất, tình hình mua bán ở mỗi chợ đều khác nhau nên không thể so sánh như vậy được.

Ông Minh trao đổi thêm: Việc để các tiểu thương hợp đồng lại sạp mà không qua đấu thầu lại toàn bộ là chúng tôi đã có phần ưu tiên rồi. Hiện nay, bên ngoài có rất nhiều người muốn vào chợ buôn bán mà không được. Theo thiết kế mới, hiện nay chợ Bình Thạnh có 96 sạp và đã có 73 người đăng ký buôn bán. Số sạp còn lại lãnh đạo địa phương ưu tiên cho những tiểu thương đã từng buôn bán ở chợ thuê lại. Nếu những tiểu thương này không đồng ý (không chấp nhận mức giá thuê mặt bằng mới, không đóng tiền đầy đủ theo quy định) thì sắp tới Ban quản lý chợ sẽ giải quyết cho những người khác vào thuê. 

Trường Sơn

Và đây là bài viết đã được đăng trên báo Tây Ninh, thứ tư, ngày 28.3.2012
Chợ Bình Thạnh cho thuê sạp lấy… vàng (!?)
Cập nhật ngày: 28/03/2012 00:01:10

Khoảng 10 năm trở lại đây, giá thuê một sạp loại I ở chợ Bình Thạnh (huyện Trảng Bàng), diện tích 4m2 được tính bằng 3,33 chỉ vàng 24K/năm và quy đổi thành tiền theo thời giá.

  Các hộ tiểu thương kinh doanh đã liên tục gửi đơn yêu cầu Ban quản lý chợ nới rộng diện tích mặt bằng cho thuê điểm sạp, nhưng càng xin thì giá thuê càng được đẩy lên, dân không thuê nổi đành nghỉ bán. Số khác bị cộng dồn tiền thuê và các khoản thuế phải trả góp hằng ngày, nếu nộp chậm thì nhận thông báo thu hồi mặt bằng của UBND xã Bình Thạnh.
Chợ xã, giá thuê cao hơn chợ huyện
Ngày 18.11.2011, UBND huyện Trảng Bàng đã có chủ trương nới rộng ki-ốt chợ Bình Thạnh từ diện tích 4,2m2 cũ lên diện tích mới là 6,2m2, mức giá mới cho thuê ki-ốt sau khi đã nới rộng được phân loại có giá từ 4 triệu đến 10 triệu đồng/năm, chi phí cho việc nới rộng ki-ốt phải do các hộ kinh doanh chi trả.
  
Hợp đồng thuê sạp được quy đổi thành vàng 24k.
Hoá đơn thu tiền được tính bằng vàng quy đổi
Tuy nhiên, theo các tiểu thương phản ánh, giá thuê giữa sạp và ki-ốt ở chợ Bình Thạnh mang tính cào bằng, không có mức quy định cụ thể giữa sạp và ki-ốt.
Bà Nguyễn Thị N, bán tương chao ở chợ Bình Thạnh trên 10 năm nói: “Tiền thuê sạp loại III 4,2m2 là 6 triệu đồng/năm, hợp đồng 2 năm, đóng tiền một lần, mỗi tháng tôi phải nộp thuế 282.000 đồng, thêm 3.000 đồng hoa chi mỗi ngày. Chúng tôi mong cấp trên cho điều chỉnh lại giá thuê sạp và nới rộng diện tích mặt bằng sạp, vì mức giá như vậy vượt quá khả năng của dân nghèo”.
Trường hợp của chị Trần Thị G, mỗi ngày chỉ bán vài cái bánh xèo và bánh cuốn ở cuối chợ nhưng phải nộp tiền thuê mặt bằng 4,2m2 với giá 8 triệu đồng/2 năm, thêm 3.000 đồng thuế hoa chi mỗi ngày và thuế hằng tháng. Chị G cho biết, với mức thuế này gia đình chị không thể sống nổi, vì bán ngày nào cao nhất cũng không quá 100.000 đồng. Nếu Ban quản lý chợ không xem xét lại thì có nhiều khả năng phải nghỉ bán hoặc chấp nhận nợ thuế dây dưa như nhiều tiểu thương khác ở chợ này.
Bên cạnh đó, những người bán hàng vải, quần áo, tạp hoá, rau cải, bún, chè, bánh canh, nước giải khát cũng kêu tiền thuê “chỗ” ở chợ cao hơn tiền lãi hằng ngày của họ. Chợ buôn bán lèo tèo, ế ẩm. Càng xin giảm tiền thuê sạp, tiểu thương chẳng những không được chấp nhận mà còn bị yêu cầu đóng cửa, nghỉ bán và phải trả góp hằng ngày do trả chậm. Như trường hợp tiệm tạp hoá của chị Nguyễn T.T.T, ngoài tiền thuế hằng tháng, chị phải “gánh” khoản trả góp mỗi ngày 300.000 đồng do nợ tiền thuê sạp, trong khi đó, ngày nào bán đắt hàng, chị cũng chỉ kiếm được tối đa 100.000 đồng tiền lãi, còn bình quân lúc nào cũng dưới 50.000 đồng.
Nộp tiền thuê sạp bằng... vàng
Theo tìm hiểu của phóng viên, số tiền phải nộp cho Ban quản lý chợ được quy đổi thành vàng 24K và sự việc này đã kéo dài hơn 10 năm nay.
Chị Nguyễn T.T.T, chủ sạp kinh doanh tạp hoá cho biết: “Từ năm 1997, khi chợ Bình Thạnh hoạt động, hầu hết các tiểu thương khi đã ký hợp đồng thuê sạp, mặt bằng trong nhà lồng chợ với Ban quản lý chợ đều phải trả bằng vàng, mỗi sạp 4m2 loại III có giá 2 chỉ vàng 24K/năm. Nếu tiểu thương có nhu cầu thuê 2 sạp liền kề thì sẽ được giảm 0,6 chỉ”.
Còn chị Cao T.V, tiểu thương kinh doanh sạp quần áo may sẵn ở chợ Bình Thạnh cho biết từ năm 2006, chị ký hợp đồng 5 năm với Ban quản lý chợ, số vàng chị phải nộp là 1 lượng 3,5 chỉ vàng 24K. Nhưng do không gom đủ tiền (vì giá vàng leo thang liên tục) nên chị vẫn còn nợ lại 2 phân 9 ly vàng. “Đêm giao thừa Tân Mão, Ban quản lý chợ đã đến “gõ cửa” nhà tôi để đòi nợ. Chúng tôi “bấm bụng” trả. Nếu không thuê nổi thì trả lại mặt bằng sạp và nghỉ bán, nhưng như vậy thì người dân chúng tôi không biết phải làm gì sinh sống vì không có ruộng vườn”- chị V tâm sự.
Giải thích về những điều tiểu thương phản ánh, ông Nguyễn Vũ Nam- Phó trưởng Ban quản lý chợ Bình Thạnh cho rằng: “Việc thu tiền thuê ki-ốt, mặt bằng chợ bằng vàng là do có sự thoả thuận giữa tiểu thương với Ban quản lý chợ. Về phía Ban quản lý chợ không hề có động thái nào bắt buộc tiểu thương phải đóng tiền thuê ki-ốt bằng vàng mà nên quy đổi bằng tiền mặt…”. Thế nhưng, nhiều tiểu thương khẳng định từ khi chợ Bình Thạnh đi vào hoạt động đến nay họ chưa hề có một sự thoả thuận nào với Ban quản lý chợ.
Tâm Giang
Ông Trần Văn Minh- Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết: Vấn đề các tiểu thương phản ánh: Trước đây, mỗi sạp trong chợ có diện tích 4,4m2, tiểu thương đòi nới rộng ra 8,8m2, giá thuê không thay đổi. Hiện nay, UBND huyện Trảng Bàng có chủ trương mỗi sạp chỉ có diện tích 6,6m2. Vì vậy tiểu thương không đồng ý. Về việc các tiểu thương so sánh giá cho thuê giữa chợ Bình Thạnh với các chợ huyện Gò Dầu, chợ Thị xã là không đúng. Vì mức giá của các tiểu thương nêu ra của chợ huyện Gò Dầu và chợ Thị xã là đã quy định từ năm 2008. Mặt khác, điều kiện cơ sở vật chất, tình hình mua bán ở mỗi chợ đều khác nhau nên không thể so sánh như vậy được.
Việc để các tiểu thương hợp đồng lại sạp mà không qua đấu thầu lại toàn bộ là chúng tôi đã có phần ưu tiên rồi. Hiện nay, bên ngoài có rất nhiều người muốn vào chợ buôn bán mà không được. Theo thiết kế mới, hiện nay chợ Bình Thạnh có 96 sạp và đã có 73 người đăng ký buôn bán. Số sạp còn lại lãnh đạo địa phương ưu tiên cho những tiểu thương đã từng buôn bán ở chợ thuê lại. Nếu những tiểu thương này không đồng ý (không chấp nhận mức giá thuê mặt bằng mới, không đóng tiền đầy đủ theo quy định) thì sắp tới Ban quản lý chợ sẽ giải quyết cho những người khác vào thuê.
Trường Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét