Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

ÔNG LIÊU CHÂN ĐẤT

Nói cũng không phải là khoe, nhưng nếu vào nhãn này thì không cần viết chi chi, người đọc cũng thừa biết là gì phải không...

Tác phẩm đạt giải B thể loại báo chí về Cuộc vận động quảng bá tác phẩm văn học-nghệ thuật, báo chí theo chủ đề Học tập và Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2010.

ÔNG LIÊU CHÂN ĐẤT

Ở ấp Tân Thạnh, xã Tân Bình, huyện Tân Biên, hình ảnh một ông cụ đã tuổi 73 ngày ngày với đôi chân trần vượt hơn 5 - 7 cây số để chăm sóc khu rừng trồng mới Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát đã không còn xa lạ với người dân nơi đây. Ông cụ ấy tên là Nguyễn Văn Liêu, sinh năm 1937, là một trong những gương điển hình có thành tích tốt trong công tác giải quyết bao chiếm và trồng rừng ở địa phương.
Nhắc đến ông Hai Liêu ngày ngày đi chân đất cần mẫn ra đồng, người dân ở ấp Tân Thạnh ai cũng biết. Nhưng việc ông Hai Liêu tự nguyện chặt bỏ hơn 12,6 ha cao su 20 năm tuổi để trồng rừng, có người cho rằng ông là người “không bình thường” mới làm như thế! Và cũng có người bĩu môi, cho rằng ông “bảnh”, vì ông giàu (?!). Một người bạn là nhân viên VQG Lò Gò-Xa Mát kể với tôi rằng: Trên đoạn đường vắng dính đầy đất đỏ dọc kênh Tà Xia, đôi chân trần của ông Liêu đã đi đi về về không biết bao nhiêu lần, và chỉ biết cách nay độ chừng 35 năm, ngay cái ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đã thấy bóng dáng một người đàn ông cao, gầy, da ngâm đen, đầu đội chiếc nón lá cũ kỹ lặn lội ở vùng đất đầy bom đạn này mà bưng ổ mối, đào gốc cây, dọn pháo mìn, trồng lúa, trồng mè... rồi trồng rừng. Bây giờ, dù ông Liêu đã có một cơ ngơi khang trang, nhưng đôi chân của ông vẫn lên rừng và vẫn… không thể mang được dép.
Nghe câu chuyện, tôi rất ngạc nhiên và cảm thấy thán phục trước sự cần cù, chăm chỉ, quên bản thân mình vì người khác của ông. Tôi tìm về xã Tân Bình, mong được gặp và trò chuyện cùng ông Liêu. Tôi thắc mắc tại sao ông lại đặc biệt quan tâm đến việc trồng rừng như vậy, ông Liêu nghẹn ngào bảo: “Cũng chỉ vì phá rừng nhiều quá nên mới khổ! Mưa bão, lũ lụt liên miên, nhà sập, cửa nát, người chết rất nhiều... Vì vậy mà tôi trồng rừng, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, trồng rừng bây giờ vẫn chưa muộn”. Rồi ông kể về khoảng thời gian cơ cực của ông lúc nhỏ. Nhà nghèo, đông anh em, mồ côi, cuộc sống vất vả cơ cực dưới sự đô hộ của chế độ cũ, nhất là chế độ nguỵ quân nguỵ quyền. Vì không chịu nổi, nên ông theo cách mạng từ những ngày ông còn rất trẻ với tuổi đời trên dưới hai mươi, làm dân công tải thương, tải đạn cho cách mạng, cách mạng cần gì ông cũng làm, “miễn là được làm dân cho cách mạng” -  ông luôn bảo như vậy khi nói về quãng thời gian ông đi dân công cho cách mạng ở xã Ninh Điền (huyện Châu Thành). Ông kể, trận Bông Trang - Bàu Bàng - Nhà Đỏ năm 1966, trong lúc đi tải đạn, bị mắc phải bệnh sốt rét, “tóc rụng đến trọc đầu”, ai cũng nghĩ ông không thể qua nỗi, nhưng nhờ mạng lớn, khỏi bệnh, ông lại tiếp tục đi dân công. “Nhờ có cách mạng, người nông dân chúng tôi mới bớt khổ, được tự do cày cấy!”- ông nói. Từ việc làm này mà ông Liêu “tin vào Đảng, tin vào Bác Hồ, tin vào nhà nước Cộng hoà  Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Cả cuộc đời, mặc dù đã ở tuổi 73, mặc dù ông chưa bao giờ được gặp mặt Bác Hồ kính yêu, nhưng ông nguyện sống noi theo gương Bác Hồ mà làm việc có ích cho xã hội. Ông chỉ biết, Bác Hồ là vị cha già kính yêu, Bác Hồ đã hy sinh bản thân mình mà cống hiến để dân tộc Việt Nam được độc lập, được làm chủ, và có Bác, người dân Việt Nam mới hết khổ! Chính vì vậy mà ông biết ơn Bác, kính trọng Bác, tin tưởng học tập và làm theo tấm gương của Người.
Đến năm 1973, theo lời kêu gọi của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam thành lập vùng hậu phương chuẩn bị cho công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, một số việt kiều Campuchia và dân trong vùng kháng chiến, trong đó có gia đình ông được đưa lên Tân Biên lập nghiệp, làm ăn sinh sống và xây dựng vùng hậu phương vững chắc. Ban đầu, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam tiến hành đào kênh Tà Xia, tháo phèn, rửa chua cho người dân canh tác trồng lúa, sau cho khai thác đất rẫy trồng cây lương thực đậu, mè, mì… Từ mảnh ruộng lúa 6 ha trên đất trảng Tà Xia (thuộc ấp Tân Thạnh, xã Tân Bình) mà ông Liêu mua lại của người khác, hai vợ chồng ông “cùng chung lưng đấu cật”, cố gắng làm ăn, dành dụm tích cóp rồi mua lại đất hoang. Từ vài chục mét vuông cho đến vài trăm, rồi vài mẫu. Cứ vậy mà đất ngày càng nhân rộng ra hơn. Ông bảo: “Đất thời ấy không như bây giờ đâu. Rẻ lắm! Một mẫu chỉ có một, hai trăm ngàn đồng. Vả lại, mần ăn thời đó không cần vốn, chỉ cần siêng năng mà thôi!”.  Mỗi ngày, ông đều “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, bưng đào gốc cây, san bằng đất rẫy, còn nếu có gặp pháo, mìn thì ông cũng đào lên và tìm một cái hố, hoặc cái giếng thật sâu, thả nó xuống để người khác không bị giẫm. Đến khi trời tắt nắng, tối mịt thì ông mới về nhà. Đất, ông trồng hết thứ này đến thứ khác. Hết lúa, ông trồng mè, rồi đến trồng cây mì lấy củ đánh xe bò chở từ Tân Thạnh về bán lại cho xóm lò mì ở phường III, Thị xã. Sau, thấy cây đậu, mì, cây lúa đều sống theo thời vụ của nó, đất bỏ không thì uổng! Ông Liêu liền trồng cây cao su, xen canh là cây mì. Ruộng vẫn tiếp tục mần để có cơm, có gạo trong nhà. Ông Liêu bảo, hồi đó, không ai nghĩ cây cao su có giá như bây giờ, trồng chủ yếu là để giữ đất và có thêm thu nhập cho gia đình, vợ con.
Với giọng nói run run, ông Liêu tâm sự: Cả cuộc đời ông hơn 73 năm đi chân đất, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nhờ có cách mạng mà ông sống đến ngày hôm nay, ông cảm ơn Đảng và Bác Hồ đã cho ông tin vào cuộc sống, nhưng người mà ông phải cảm ơn nhiều nhất đó là bà Huỳnh Thị Tuyết - vợ ông, một người vợ đảm đang, đã một lòng phụ giúp chồng nuôi nấng, dạy bảo các con nên người. Bây giờ, tài sản của gia đình ông Hai Liêu chân đất là một ngôi nhà khang trang với 30 ha cao su cùng 4 ha ruộng lúa tại ấp Tân Thạnh, mười người con của ông bà đều đã có gia đình riêng và việc làm ổn định.
Dù đã bước qua tuổi 73 nhưng ông Hai Liêu vẫn ngày ngày cần mẫn ra đồng
với đôi chân "không quen mang dép"
Tuy cuộc sống tương đối khá, nhưng ông Liêu vẫn tiếp tục làm việc, và việc làm của ông không phải là trỉa đậu, trồng mì hay trồng cao su, mà việc của ông là tiếp tục trồng rừng. Mười ha rừng trồng ở tiểu khu 30, 31 Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát được ông trồng từ năm 1997 đến nay đang lớn và khỏe mạnh. Nhưng điều đáng quý nhất từ những việc làm của ông đối với công tác trồng rừng là ngay từ đầu năm 2010, ông đã tự nguyện chặt bỏ 12,6 ha cây cao su 20 năm tuổi theo quyết định 875 của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Tiền bán gỗ cao su cũng được hơn một tỷ đồng, ông mạnh dạn bỏ hơn hai trăm triệu thuê công bưng đào gốc, số tiền còn lại ông chi vào công tác trồng mới rừng. Nhiều người nghĩ, với diện tích cây cao su như vậy, thì chỉ cần “ngồi không”, mỗi tháng cũng thu được hơn trăm triệu đồng, thay vì trồng rừng, mười năm cũng không có được như vậy!. Nhưng đối với ông Hai Liêu thì hoàn toàn ngược lại, ông bảo: “Chặt bỏ cây cao su là chủ trương đúng đắn của nhà nước, mặc dù lợi ích kinh tế bị thu hẹp nhưng bản thân và gia đình chỉ là một phần nhỏ trong một cộng đồng xã hội. Nếu làm được điều gì có ích cho xã hội, cho đất nước thì dù hy sinh bao nhiêu tôi cũng làm”. Không những vậy, ông còn vận động mọi người tham gia trồng rừng, trước hết là các con trai, con gái, dâu, rễ trong gia đình, rồi đến các hộ gia đình là công nhân cạo mủ cao su trong ấp. Như anh Nguyễn Văn Sơn - người con trai lớn của ông, nhận thức được những nguy hại từ nạn phá rừng và lợi ích của việc trồng rừng, trong các năm 1997, 1998, 1999, anh đã theo cha hợp đồng trồng rừng theo dự án 556 (nay là chương trình 661 của Chính phủ) chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc, cho đến nay, gia đình anh đã trồng mới rừng được gần 10 ha ở Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát.
Bây giờ, dù đã bước qua tuổi 73 nhưng trông ông Hai Liêu vẫn còn khỏe khoắn và nhanh nhẹn. Khi được hỏi: “Ông sẽ trồng rừng đến khi nào thì nghỉ ?”. Ông cười: “Khi nào tôi không còn được gắn bó với rừng, thì khi đó tôi mới thôi trồng rừng…”, bởi vì ông hiểu, Bác Hồ đã hy sinh thân mình vì độc lập dân tộc, còn bản thân mình, trồng một cây là góp một phần để cho rừng thêm xanh.

Và đây là một số hình ảnh về thực hiện phim về ông với đoàn Beeads

           Sau chuyến đi, kết quả là ông Hai phải nằm nghỉ dưỡng sức cả tuần lễ (vì tuổi già, theo không kịp nổi sức trẻ). Thế đấy! Ông ấy chỉ là một người nông dân bình thường, chân chất, hết lòng cống hiến cho mục đích chung. Thật cao cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét